Nhằm cụ thể hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 tổ chức ở Paris (Pháp) về việc phát triển xanh, bền vững; Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính (CO2e) trên thế giới với mục tiêu ban đầu là 1 triệu ha.
LTS: Nhằm góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP 26 tổ chức ở Paris (Pháp), vừa giúp tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân và phục vụ cho hàng loạt mục tiêu khác, Bộ NNPTNT đang khẩn trương làm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Với đề án này, Việt Nam được xem là quốc gia trồng lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới).
Báo Dân Việt đăng tải loạt bài nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề quan trọng, hết sức cấp thiết của đề án nói trên. Trong đó, nêu rõ thực trạng hiện tại sản xuất lúa hiện nay, bức tranh sau khi thực hiện đề án, ý kiến của nông dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các địa phương và Bộ NNPTNT về vấn đề liên quan đến hơn 1 triệu hộ dân làm nghề trồng lúa ở ĐBSCL. Và đặc biệt hơn nữa là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đã đi tiên phong sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Kiên Giang và An Giang có diện tích tham gia nhiều nhất
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, sau khi nhận được công văn của Bộ NNPTNT về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (xin gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), tỉnh Kiên Giang đã thống nhất đăng ký tham gia 100.000ha đến năm 2025 và 200.000ha đến năm 2030 sau khi rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Kiên Giang đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL theo lộ trình 100.000ha đến năm 2025 và 200.000ha đến năm 2030. Ảnh: Huỳnh Xây
Phần lớn diện tích lúa đăng ký tham gia tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng. Hiện 3 vùng này của tỉnh Kiên Giang còn khoảng 300.600ha diện tích sản xuất lúa.
Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: "Sau khi nhận được công văn của Bộ NNPTNT về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, phía Sở NNPTNT đã đi rà soát các hợp tác xã có năng lực, diện tích có khả năng tham gia. Chỉ tính riêng đến năm 2024, tỉnh Kiên Giang mạnh dạn đăng ký 60.000 ha, với 104 hợp tác xã tham gia, sau đó sẽ mở rộng lớn hơn".
Theo ông Toàn, tỉnh Kiên Giang hiện có 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc trời, Tập đoàn Tân Long liên kết với HTX trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Hiện việc liên kết đang mở rộng ra gần 19 doanh nghiệp. Do đó, ông Toàn khẳng định chắc chắn đến năm 2030, tỉnh sẽ có hơn 200.000 ha tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đồng tình rất cao về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL mà Bộ NNPTNT sắp triển khai và khẳng định thực hiện theo bản cam kết.
"Thậm chí có khả năng sẽ tham gia với diện tích cao hơn vì diện tích trồng lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Chúng tôi xác định đề án này hết sức quan trọng của Kiên Giang. Do đó, sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa" - ông Toàn nói.
Đối với tỉnh An Giang, theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được công văn của Bộ NNPTNT về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, tỉnh này đã thống nhất đăng ký thực hiện 200.000ha đến năm 2030. Riêng đến năm 2024, An Giang đăng ký 30.000ha.
Hiện nay, tỉnh này có hơn 200 HTX, đến năm 2025, số lượng sẽ tăng lên 400 HTX. Các HTX đã và đang liên kết tốt với Tập Đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long và một số công ty lớn khác trong sản xuất và tiêu thụ lúa.
Theo UBND tỉnh An Giang, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành lúa gạo nói riêng, giúp phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói chung bởi giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các địa phương còn lại đồng thuận cao, chủ động đăng ký dù diện tích không nhiều
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay Vĩnh Long có diện tích sản xuất rất ít (khoảng 40.000ha), đang đứng thứ 12 của vùng, chỉ hơn tỉnh Bến Tre.
TP.Cần Thơ đăng ký tham gia hơn 31.000 ha đến năm 2024 và 50.000 ha vào năm 2030. Trong ảnh, cán bộ khuyến nông dân ở TP.Cần Thơ thăm vùng trồng lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Nguyên nhân là do những năm vừa qua, Vĩnh Long chuyển đổi cơ cấu cây trồng quá mạnh, diện tích lúa bị ít dần, còn cây trồng khác thì tăng cao. Cụ thể, diện tích cam sành đã lên đến 18.000ha, diện tích khoai lang từ 6.000-7.000ha, tiếp đến là diện tích mít Thái, sầu riêng.
Mặc dù diện tích còn ít nhưng theo ông Liêm, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các huyện đều rất đồng thuận với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
"Khi chưa tới hạn đăng ký tham gia, lãnh đạo tỉnh đã hối thúc chúng tôi là đăng ký tham gia 20.000ha đến năm 2030. Riêng đến năm 2025 là 3.000ha" - ông Liêm thông tin.
Trước khi đăng ký, ông Liêm cho hay, Sở NNPTNT đã tổ chức đoàn đi khảo sát 4 huyện có diện tích lúa lớn nhất của tỉnh gồm Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân và Tam Bình. Trong chuyến khảo sát, có mời các HTX tham gia để tìm hiểu về nguyện vọng.
Các địa phương này có điều kiện canh tác tốt, người dân gieo sạ mật độ không cao, mỗi vùng tối thiếu 100ha theo tiêu chuẩn mà đề án đưa ra. Về liên kết sản xuất và tiêu thụ, tỉnh Vĩnh Long có Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV và Tập đoàn Lộc Trời tham gia.
Tại TP.Cần Thơ, sau khi rà soát lại các tiêu chí của đề án, UBND thành phố thống nhất đăng ký tham gia hơn 31.000 ha đến năm 2024 và 50.000 ha vào năm 2030.
"Sau khi nhận được công văn của Bộ NNPTNT về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, Sở NNPTNT đã nhanh chóng tham mưu UBND thành phố, mời lãnh đạo 3 huyện có diện tích sản xuất lúa trọng tâm là Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh để họp và thống nhất về diện tích tham gia. Đa số diện tích tham gia trong giai đoạn đầu là nơi đã triển khai dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam)" - Ông Trần Thái Nghiêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho hay.
UBND tỉnh Sóc Trăng thống nhất đăng ký năm 2024 sẽ có 22.329 ha tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đến năm 2025 sẽ có 77.000 ha tham gia và giữ nguyên đến năm 2030. Nếu điều kiện thuận lợi, hạ tầng thủy lợi tốt thì sẽ tăng diện tích.
Về nguyên nhân diện tích đăng ký tham gia đề án không tăng trong giai đoạn tiếp theo, ông Trương Văn Đúng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho hay, tỉnh này có nhiều diện tích lúa thường bị ngập do mưa, dẫn đến việc không di chuyển rơm ra khỏi ruộng được, dẫn đến thời gian xuống giống bị ảnh hưởng.
Theo Ngân hàng thế giới-World Bank (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam nhưng cũng là ngành hàng chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2e (khí gây hiệu ứng nhà kính)/năm. Mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2025 đạt trên 500.000ha (sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa) và đạt 1 triệu ha vào năm 2030 (sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn lúa). Hiện có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia, riêng Bến Tre không tham gia vì diện tích lúa còn thấp, manh mún, nhỏ lẻ. Theo dự thảo mới nhất, ước tính tổng vốn đầu tư cho đề án là 15.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ có khoảng 3.750 tỷ đồng từ vốn ngân sách, vốn xã hội hóa là 10.500 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác là 750 tỷ đồng. |
Theo Danviet.vn - Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 19/04/2023 12:01 PM (GMT+7)